Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 đều quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, Luật 2024 đã bổ sung rất nhiều vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong quản lý, sử dụng đất.
Trách nhiệm của Mặt trận theo Luật Đất đai 2013
Luật Đất đai năm 2013 tại khoản 2 Điều 198 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, trong một số điều khoản của Luật Đất đai 2013 cũng quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi chấp hành việc kiểm kê, bồi thường, tham gia hòa giải tranh chấp đất đai, như:
Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động
Vận động đo đạc, kiểm đếm
Tại điểm d khoản 1 ĐIều 69: Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
Vận động phương án bồi thường
+ Tại điểm a khoản 2 Điều 69 Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Vận động bàn giao đất
Tại điểm d khoản 3 Điều 69: Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
+ Tại điểm a khoản 2 Điều 70: Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây: Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
Chỉ cưỡng chế sau khi Mặt trận vận động
+Tại điểm a khoản 2 Điều 71: Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
Tham gia hòa giải đất đai
+ Khoản 3 Điều 202 về hòa giải tranh chấp đất đai: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Luật Đất đai 2024 đã tăng vị trí, vai trò của Mặt trận
Luật Đất đai năm 2024 tại Điều 14 đã quy định cụ thể Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai, cụ thể:
Tham gia xây dựng pháp luật
+ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, dự án có sử dụng đất do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Góp ý, phản biện
+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tham gia:
– xây dựng pháp luật; thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp, dự án có sử dụng đất do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư;
– ý kiến về trường hợp thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất;
– Tham gia ý kiến, giám sát quá trình xây dựng bảng giá đất và thực hiện bảng giá đất;
– hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật;
Giám sát và tuyên truyền
– Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hồi đất, trưng dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai tới Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện và chấp hành tốt chính sách, pháp luật về đất đai.
Như vậy, so với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung mở rộng, bổ sung vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản lý và sử dụng đất đai như về tham gia phản biện chính sách, tham gia góp ý, giám sát việc xay dựng giá đất, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Rubi
Nguồn: decuongtuyentruyen.com