Ngày 27/5/2020 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ban hành Quyết định số 2203/QĐ-BCĐQG về việc ban hành hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại hộ gia đình.
Ban biên tập Trang thông tin điện tử Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Tam Đại xin giới thiệu toàn văn Quyết định số 2203/QĐ-BCĐQG, ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
PHẦN THỨ NHẤT
THÔNG TIN CHUNG VỀ DỊCH COVID-19 VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, là nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.
2. Đường lây truyền, thời gian ủ bệnh
– Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
– Thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày. Người mang vi rút SARS-CoV-2 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh.
– Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như nhà máy, nhà ga, bến tàu xe, sân bay, lễ hội, trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch… sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan.
3. Triệu chứng biểu hiện bệnh
– Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, đau rát họng, khó thở, có trường hơp viêm phổi, viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
– Một số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
– Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: là người có ít nhất một trong các triệu chứng: sốt; ho; đau họng; khó thở hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:
+ Có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
+ Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
+ Tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
– Ca bệnh xác định: là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.
– Người tiếp xúc gần: là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh, bao gồm:
+ Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Người cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp… với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy…) với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh. Trong một số trường hợp cụ thể, tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông.
+ Bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh ở các tình huống khác.
4. Một số nguyên tắc, khái niệm về phòng và điều trị bệnh COVID-19
– Hiện nay bệnh COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh, cách ly những người tiếp xúc vòng 1 (là người tiếp xúc với ca bệnh xác định), tiếp xúc vòng 2 (là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần).
– Thực hiện các biện pháp dự phòng giọt bắn để tránh lây nhiễm trực tiếp do hít phải giọt bắn có chứa vi rút phát tán trong không khí thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện và các biện pháp dự phòng tiếp xúc để tránh lây nhiễm gián tiếp do chạm tay vào các bề mặt bị nhiễm vi rút rồi chạm vào mắt, mũi, miệng. Các biện pháp dự phòng chung gồm: hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; nếu phải ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; khai báo y tế điện tử.
– Khoảng cách tối thiểu và việc đeo khẩu trang thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
– Rửa tay được hiểu là rửa tay với nước sạch và xà phòng ít nhất trong thời gian 30 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
– Dung dịch sát khuẩn tay: Phải chứa ít nhất 60% cồn hoặc các hoạt chất diệt khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
5. Phạm vi, đối tượng áp dụng
5.1. Phạm vi
Các hộ gia đình sống tại nhà ở riêng lẻ: nhà ở độc lập, nhà liền kề, nhà biệt thự trên đất ở thuộc phố, khu phố, khu đô thị, khu vực nông thôn (sau đây gọi chung là hộ gia đình).
5.2. Đối tượng áp dụng
– Người dân của hộ gia đình sống tại các nhà ở riêng lẻ, người kinh doanh, cung cấp dịch vụ, người phục vụ tại các hộ gia đình có kinh doanh dịch vụ.
– Tổ trưởng dân phố, trưởng thôn/xóm/ấp/bản/làng (sau đây gọi tắt là tổ trưởng dân phố).
– Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Trạm y tế cấp xã.
PHẦN THỨ HAI
HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG LÂY NHIỄM DỊCH COVID-19 TẠI HỘ GIA ĐÌNH
I. Đối với các hộ gia đình không kinh doanh dịch vụ
1. Thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe
1.1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch
a. Tại các thời điểm sau: – Ngay sau khi về nhà. – Sau khi ho, hắt hơi. – Sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như cửa, tay nắm cửa, công tắc điện, bồn cầu… – Sau khi đi vệ sinh. – Sau khi vệ sinh cho trẻ, người ốm. – Trước khi ăn. – Trước và sau khi chế biến thực phẩm. – Sau khi tiếp xúc với động vật, vật nuôi – Khi bàn tay bẩn. b. Thời gian rửa tay: ít nhất 30 giây. c. Quy trình rửa tay: 6 bước 1.2. Khi ho hoặc hắt hơi: |
|
– Che kín mũi, miệng bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy.
– Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng.
– Rửa sạch tay với xà phòng và nước sạch.
1.3. Các hành vi vệ sinh cá nhân khác.
– Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không khạc nhổ bừa bãi.
– Súc miệng, súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên.
– Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
– Thay và giặt sạch quần áo đi làm, đi chơi hoặc đến chỗ đông người ngay sau khi về nhà (nếu có thể).
2. Thực hành vệ sinh chung và các quy định phòng, chống dịch COVID-19
2.1. Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Luôn đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà.
Hướng dẫn sử dụng khẩu trang vải:
2.2. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Giữ khoảng cách tối thiểu và luôn đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc.
2.3. Không tụ tập đông người tại nhà; hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu với người xung quanh; không khạc nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi ra môi trường.
2.4. Vệ sinh nhà cửa:
– Lau nền nhà: quét sạch nhà trước, sau đó dùng cây lau nhà lau toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa thông thường hoặc hóa chất khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
– Lau bề mặt vật dụng (đặc biệt là mặt bàn ghế, khung giường, tủ quần áo, tay nắm cửa và các vật dụng khác trong nhà,…): dùng giẻ hoặc khăn lau thấm các chất tẩy rửa thông thường như: (i) chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc (ii) pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước) hoặc (iii) các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc (iv) 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc (v) cồn 70% lau các bề mặt cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Thời gian cách ly sau khi khử khuẩn ít nhất là 30 phút.
– Nếu nền nhà hoặc bề mặt vật dụng bẩn, cần làm sạch nền nhà, bề mặt bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.
– Khi có khách đến nhà, nên lau khử khuẩn cho các đồ dùng, vật dụng ở những vị trí khách có tiếp xúc ngay khi khách rời đi (nếu có thể).
– Sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa.
– Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.
2.5. Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà:
– Thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.
– Sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa.
2.6. Thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền và cơ quan y tế địa phương.
2.7. Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên điện thoại di động hoặc trên máy tính (sử dụng ứng dụng NCOVI tải từ trang web: https://ncovi.vn).
2.8. Đối với hộ gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính thì hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, khi có biểu hiện bệnh thì gọi điện đến các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng NCOVI.
2.9. Cập nhật thông tin hàng ngày về dịch COVID-19 trên các trang thông tin điện tử (website) chính thức của Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn; https://suckhoedoisong.vn), hoặc ứng dụng NCOVI trên điện thoại di động, hoặc từ cơ quan y tế địa phương; không thông tin, tuyên truyền sai lệch về tình hình dịch COVID-19.
2.10. Tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu thấy có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì cần báo ngay cho người nhà biết và (i) đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà; (ii) lập tức giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với mọi người; (iii) không đi làm, không bán hàng, không cung cấp dịch vụ, không đi du lịch, không đi học và thông báo cho nhà trường, nơi làm việc; (iv) gọi cho cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế (điện thoại: 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và (v) nếu cần thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng (nếu có thể).
2.11. Thông báo ngay cho tổ trưởng dân phố hoặc cán bộ y tế cấp xã nếu nghi ngờ có người thuộc diện phải theo dõi sức khỏe hoặc cách ly.
2.12. Khi có trường hợp bệnh xác định, nghi ngờ mắc bệnh, cách ly tại nhà thì thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền, tổ dân phố, các cơ quan y tế địa phương.
2.13. Lưu ý khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú:
– Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp tại gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2 mét.
– Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.
– Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng quy định, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
– Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế cấp xã hoặc cán bộ quản lý được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
– Thông báo ngay cho cán bộ y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
– Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.
– Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
– Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.
– Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, ưu tiên sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn phòng, đặc biệt các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và phòng vệ sinh. Hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
II. Đối với các hộ gia đình có kinh doanh, cung cấp dịch vụ
Thực hiện các nội dung như mục I và thực hiện các nội dung yêu cầu sau để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực kinh doanh, cung cấp dịch vụ:
1. Đối với các hộ gia đình có hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống
1.1. Yêu cầu thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được phép hoạt động.
1.2. Một số nội dung cần thực hiện để phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19:
– Ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19.
– Thực hiện khai báo y tế điện tử, theo dõi sức khỏe cho người chế biến thực phẩm, đồ uống, người phục vụ hàng ngày.
– Những người có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì không được bố trí làm việc hoặc dừng bán hàng, cung cấp dịch vụ ăn uống.
– Nếu phát hiện bản thân hoặc người làm việc, người bán hàng cùng hoặc khách hàng có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì phải báo cho tổ trưởng dân phố hoặc cán bộ y tế để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
– Người chế biến thức ăn, đồ uống, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, khách hàng.
– Không bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng (nếu có thể), giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
– Khu vực chế biến thức ăn, đồ uống phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm, đồ uống.
– Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách tối thiểu giữa khách hàng (có thể xếp khách hàng ngồi so le hoặc đặt vách ngăn giữa các khách hàng, tránh ngồi đối diện); có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng nếu sử dụng lại. Có đủ thùng đựng rác, có nắp đậy và có lót túi.
– Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống. Đảm bảo khách hàng không dùng chung các đồ dùng như cốc, chai nước, khăn tay…
– Tiến hành sát khuẩn mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.
– Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
– Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
– Nhà vệ sinh phải có đủ nước sạch, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh; đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.
– Có biển hướng dẫn, các quy định về phòng chống dịch.